Nam Bắc Phân Tranh Tại Hải Ngoại ( 2/4 )

Bài 1/4     Bài 2/4     Bài 3/4     Bài 4/4

ThuyenNhan24

Đến bờ tự do ( nguồn internet )

Một lần , có lẽ vào năm 1991 , tất cả anh chị em miền Bắc thấy cơ hội đi tỵ nạn của họ có vẻ khó khăn đã quyết định biểu tình . Ban chỉ đạo biểu tình kéo tới chỗ gia đình tôi họp để hỏi ý kiến , vì trong đời họ chưa bao giờ thấy một cuộc biểu tình nào , nên họ không biết làm thế nào để tổ chức một cuộc biểu tình . Tôi cũng nhìn thấy một mối nguy về an ninh cho người miền Nam là người miền Bắc cảm thấy bực bội với người miền Nam vì người miền Nam thờ ơ với ý muốn biểu tình của họ . Bà vợ tôi thấy tình hình bắt đầu có vẻ hơi căng thẳng như vậy nên bảo nhỏ với tôi không nên liên hệ với công việc chuẩn bị biểu tình của người miền Bắc . Vợ tôi nói , biểu tình thì người miền Bắc có đánh gia đình mình đâu mà anh cần tham gia . Tôi bảo vợ tôi đừng sợ . Thứ nhất , nếu tôi không giúp họ thì ai giúp ? Thứ nhì , nếu tôi không giúp họ thì thế nào cũng đi tới căng thẳng có thể đổ máu giữa 2 nhóm người Nam , Bắc vì một bên cần biểu tình , một bên không .

Tôi phải giải thích cho người miền Bắc : Mục tiêu , đối tượng và phương cách biểu tình cũng như là những việc cụ thể cần làm trước , trong và sau khi biểu tình . Tôi giải thích cho họ về mục tiêu biểu tình là đánh động dư luận qua giới truyền thông , báo chí . Đối tượng là giới truyền thông , báo chí chứ không phải ban chỉ huy trại , như vậy không có gì phải bạo động cả . Dĩ nhiên là giới truyền thông không được vào trại nhưng họ sẽ đứng trên con đường ở đỉnh núi dẫn vào trại và họ trông thấy cuộc biểu tình . Ngoài ra ban chỉ đạo biểu tình phải viết một thỉnh nguyện thư gửi cho đại diện Liên Hiệp Quốc . Thỉnh nguyện thư này cũng sẽ được chuyển ra ngoài cho giới truyền thông . Họ hỏi tôi trong lúc biểu tình thì phải làm gì . Mặc dù đã biết trước là trong đời người miền Bắc chưa bao giờ biểu tình nhưng tôi vẫn thấy buồn cười trước câu hỏi này . Tôi phải nói với họ rằng đâu có làm gì ghê gớm đâu , chỉ cần kéo dài thời gian biểu tình và trong suốt thời gian đó đoàn người chỉ hô lớn những đòi hỏi thôi . Tiếp đó họ nêu vấn đề là họ sợ rằng người miền Nam trong trại sẽ không tham gia biểu tình với họ . Tôi giải thích cho họ biết rằng , trong xã hội tự do , chỉ những ai có quyền lợi hay quan tâm tới vấn đề họ mới biểu tình thôi . Trong trường hợp này vì người miền Nam sẽ được chấp nhận cho đi tỵ nạn hết ( đó là chính sách của Liên Hiệp Quốc vào thời điểm đầu của cuộc thanh lọc vào khoảng 1991 ) cho nên họ không có lý do gì để tham gia thì quý anh chị cũng đừng bận tâm . Nếu không có sự giải thích trước như vậy thì chắc chắn chuyện người miền Bắc muốn biểu tình , người miền Nam không muốn sẽ đưa tới chém giết đổ máu . Với sự giúp sức của tôi , cuộc biểu tình của anh chị em miền Bắc tại trại Màn Dìn diễn ra êm đẹp , không có người miền Nam tham dự nhưng không có đổ máu giữa 2 bên . Trong khi ở nửa trại bên kia , số thuyền nhân miền Bắc đông hơn nhưng không tổ chức biểu tình được vì không có người miền Nam giúp sức góp ý . Bây giờ nghĩ lại , tôi không biết đó có phải là cuộc biểu tình đầu tiên của thuyền nhân miền Bắc tại Hông Kông hay không . Trước đó dường như thuyền nhân miền Bắc chỉ biết bạo loạn chứ không biết biểu tình .

Ngày đầu tiên , 21/06/1989 , cũng như mọi thuyền tỵ nạn khác , thuyền của tôi được Cảnh Sát Hông Kông kéo vào đậu trong bãi tỵ nạn có tên là Đảo Bò . Đây là một trong đám đảo nhỏ . Trước kia được chủ nhân dùng để nuôi heo và bò cho nên thuyền nhân chúng tôi gọi là Đảo Bò . Tên thực của đảo là Tai A Châu . Vào tháng 06/1989 , đây là trại tiếp nhận đầu tiên trong khi chờ chính quyền sắp xếp đủ chỗ chứa trong đất liền . Vì số người Việt tỵ nạn tới mỗi ngày không dưới 300 người nên trong đất liền Hông Kông không xây kịp chỗ chứa . Những người mới tới thường phải ở đây khoảng 2 tuần lễ . Ngay lúc vừa được Cảnh Sát đưa mấy người đại diện thuyền lên bờ làm thủ tục nhập trại , tôi đã thấy thuyền cấp cứu chở đi bệnh viện một nạn nhân bị cướp bởi chính thuyền nhân khác . Sợ quá , suy nghĩ một hồi tôi quyết định liều đứng dậy yêu cầu chính quyền trại bảo vệ . Tôi nói với người mà sau này tôi biết là Trung Sĩ Nhất thường vụ quản lý trại rằng « Tôi là một sĩ quan miền Nam , tôi có khả năng tự vệ chống lại cướp , nhưng đây là Hồng Kông , một xứ sở có luật pháp nên tôi phải tôn trọng luật pháp Hồng Kông và tôi yêu cầu được bảo vệ tránh bị cướp như trường hợp vừa rồi » . Ông ta nhìn tôi mặt lạnh như tiền . Tôi thấy « không ăn » rồi . Ngay lập tức tôi quyết định lập lại yêu cầu nhưng cố nhét làm sao để có chữ « Quân Đội Hoa Kỳ » ( US Army ) . Tôi nói tiếp : Tôi là cựu sĩ quan liên lạc của quân đội Hoa Kỳ và lập lại yêu cầu . Khi nghe tới chữ US Army tôi thấy mắt ông ta nhấp nháy , tôi biết là « ăn tiền » . Ông ta nhìn tôi từ đầu tới chân rồi bảo tôi ở lại trong khi mấy người đại diện của các thuyền kia được đưa trở lại thuyền của họ . Thực sự tôi biết có cái chức « sĩ quan liên lạc » ( liaison officer ) là trước kia trong thời gian ở bộ Tư Lệnh Tiền Phương Sư Đoàn 1 , tôi có thời gian ngắn được gửi sang bộ Tư Lệnh Lữ Đoàn 1/5 Cơ Giới Hoa Kỳ ( 1/5 Mechanized Division ) để làm sĩ quan liên lạc hành quân .

Toàn bộ 25 người thuộc 3 gia đình trên con thuyền của tôi được đưa vào một khu biệt lập hẳn với mấy ngàn thuyền nhân khác . Khu vực này có những dẫy chuồng heo , và thuyền nhân được cho ở trong mấy cái chuồng heo đó . Cũng giống như ở nhà quê Việt Nam , mỗi chuồng heo vuông vức mỗi cạnh khoảng 4 m . Trong đó còn dấu vết của máng ăn , rãnh nước để rửa chuồng , chỗ hốt phân heo . Cứt heo và cám heo vẫn còn . Chúng tôi phải lấy nước rửa chuồng heo để ở . Thỉnh thoảng vẫn thấy những con dòi bò cạnh chỗ nằm . Nhưng dù sao cũng hơn mấy ngàn thuyền nhân khác là chỗ này còn có mái che là mái chuồng heo . Tới nơi tôi thấy toàn bộ thuyền nhân người Việt gốc Hoa đã ở trong khu vực này . Tất cả những thuyền nhân Việt gốc Hoa đều được cho ở riêng để bảo vệ . Ngay khi vừa rời Việt Nam , giữa người Việt và người Việt gốc Hoa đã có sự chia rẽ rồi , cho dù là họ sinh đẻ đã nhiều đời tại Việt Nam . Thuyền chúng tôi là những người miền Nam duy nhất được bảo vệ chung với người Việt gốc Hoa . Một kỷ niệm nho nhỏ . Chỗ chuồng heo đó là chỗ duy nhất các phái đoàn hay phóng viên báo chí tới thăm đảo có thể tới gặp thuyền nhân để làm phóng sự , phỏng vấn . Những chỗ khác toàn là rừng hoang nên các đoàn khách đâu biết đường đi mà tới thăm được . Một hôm có một cô người nhỏ nhắn , xinh xinh , trạc ba mươi tuổi tới phỏng vấn thuyền nhân . Cô ta giới thiệu là làm cho chương trình Việt Ngữ đài BBC . Tôi ngưỡng mộ lắm . Vì từ trong tù cải tạo tôi đã ước mơ được làm cho đài BBC hoặc VOA . Lúc đó chỉ là một ước mơ viển vông thôi . Nhưng đời có ai ngờ nếu mình cứ mơ những giấc mơ « viển vông » và cố thực hiện nó thì cũng có cơ may thành đạt . Còn hơn là không mơ gì cả . Thế là 10 năm sau , 1989-1999 , sau thời gian học đại học Hoa Kỳ , tôi đã trúng tuyển vào ban Việt Ngữ đài VOA và sang thủ đô Washington làm việc trong một toà building lớn có vài ngàn nhân viên ở cạnh trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ .

Trên đảo ngoại trừ vài kiến trúc của chủ đảo mà Cảnh Sát đang xử dụng để quản lý trại không có một kiến trúc nào khác . Trừ một số nhỏ nằm trong các chuồng heo cũ , tất cả thuyền nhân phải căng lều nằm ngoài trời . Lều do trại phát . Những ngày sau đó tôi chứng kiến 100 phần trăm tất cả những thuyền nhân mới tới đảo đều bị người miền Bắc cướp . Cướp khủng khiếp tới độ gần như công khai mà Cảnh Sát không làm gì được vì nạn nhân không dám khai báo và làm nhân chứng ( còn tiếp ) .

Bài 1/4     Bài 2/4     Bài 3/4     Bài 4/4

Nguyễn Tường Tâm – Đàn Chim Việt Online 2010

Ghi chú : danh từ « Người miền Bắc » trong loạt bài này chỉ những người Bắc còn ở lại Hà Nội sau năm 1954 và những người vào miền Nam sau ngày 30/04/1975 , kể cả con cháu họ , cho dù sinh trưởng tại miền Nam sau đó .

 

About Vinh2SG

Born 1938/11/05 in SaiGon Capital of South VietNam - Lycee Yersin DaLat then ENAC France - Captain on DC3/4-B727 with Air VietNam - Pilot on SE210 B7(3-4)7 with Corse Air Int'l - Living near Paris12 at Charenton Le Pont
This entry was posted in HTTTD and tagged , . Bookmark the permalink.

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.