Biên Cương Nước Việt

BienCuongNuocVietTDS1

A – Sơ tâm về Tộc Việt

TranDaiSyParisTôi học Chữ Nho trước khi học chữ Quốc Ngữ . Thầy khai tâm của tôi là Ông Ngoại tôi . Ông Tôi không có con trai , Mẹ tôi là con út của người . Theo luật triều Nguyễn , thì con trai Ông Tôi sẽ được tập ấm . Không có con trai , thì con nuôi được thay thế . Tôi là con nuôi của Ông Tôi , nên người dạy tôi học để nối dòng Nho Gia . Tôi cũng được tập ấm , thụ sắc phong của Đại Nam Hoàng Đế .

Năm lên 6 tuổi , tôi được học tại trường tiểu học do chính phủ Pháp mở tại Việt Nam . Cũng năm đó , tôi được học Chữ Nho . Thời gian 1943-1944 rất ít gia đình Việt Nam còn cho con học  , bởi Đạo Nho cũng như nền Cổ Học không còn chỗ đứng trong đời sống kinh tế , chính trị nữa . Thú thực tôi cũng không thích học Chữ Nho bằng chơi bi , đánh đáo . Nhưng vì muốn làm vui lòng Ông Tôi mà tôi học . Các bạn hiện diện nơi đây không ít thì nhiều cũng đã học Chữ Nho đều biết rằng chữ này học khó như thế nào . Nhưng tôi chỉ mất có 3 tháng đã thuộc làu bộ Tam Tự Kinh , rồi 6 tháng sau tôi được học Sử .

Tôi được học Nam Sử bằng Chữ Nho , đồng thời với những bài sử khai tâm bằng Quốc Ngữ vào năm 7 tuổi . Thời điểm bấy giờ bắt đầu có những bộ sử viết bằng Quốc Ngữ , rất giản lược , để dạy học sinh , không bằng một phần trăm những gì Ông Tôi dạy tôi . Thầy Giáo ( ở trường ) biết tôi là cái kho vô tận về sử Hoa-Việt , nên thường bảo tôi kể cho các bạn đồng lớp nghe về anh hùng nước tôi . Chính vì vậy , tôi phải lần mò đọc những bộ sử lớn viết bằng chữ Hán như Đại Việt Sử Ký , Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục , An Nam Chí Lược , Việt Sử Lược … Đại cương , mỗi bộ sử đều chép rất giản lược về nguồn gốc dân tộc Việt Nam như sau :

Vua Đế Minh , cháu 3 đời Vua Thần Nông , nhân đi tuần thú phương Nam , đến núi Ngũ Lĩnh , kết hôn với một nàng tiên đẻ ra người con tên Lộc Tục . Vua lập đài , tế cáo trời đất , phong cho con trưởng làm Vua phương Bắc , tức Vua Đế Nghi ; phong con thứ là Lộc Tục làm Vua phương Nam . Ngài dạy 2 Thái Tử rằng : Nghi làm Vua phương Bắc , Tục làm Vua phương Nam , lấy núi Ngũ Lĩnh làm cương giới . Hai người làm Vua 2 nước nhưng vốn cùng gốc ở ta , phải lấy điều hiếu hoà mà ở với nhau . Tuyệt đối Nam không xâm Bắc , Bắc chẳng chiếm Nam . Kẻ nào trái lời , sẽ bị tuyệt tử tuyệt tôn .

Xét triều đại Thần Nông , khởi từ năm 3118 trước Tây Lịch , đến đây thì chia làm hai :

Triều Đại Thần Nông Bắc 

– Vua Đế Nghi ( 2889-2884 trước Tây Lịch )
– Vua Đế Lai ( 2843-2794 trước Tây Lịch )
– Vua Đế Lai ( 2843-2794 trước Tây Lịch )
– Vua Ly ( 2795-2751 trước Tây Lịch )
– Vua Du Võng ( 2752-2696 trước Tây Lịch )

Đến đây triều đại Thần Nông Bắc chấm dứt , đổi sang triều đại Hoàng Đế từ năm Giáp-Tý ( 2697 trước Tây Lịch ) . Các nhà chép sử Trung Hoa lấy thời đại Hoàng Đế làm kỷ nguyên . Trong bộ Sử Ký , Tư Mã Thiên khởi chép quyển 1 là Ngũ Đế Bản Kỷ , coi Hoàng Đế là Quốc Tổ Trung Hoa .

2 – Triều Đại Thần Nông Nam 

Thái Tử Lộc Tục lên làm Vua năm Nhâm Tuất ( 2879 trước Tây Lịch ) , hiệu là Kinh Đương , lúc 10 tuổi . Sau này người Việt lấy năm này làm kỷ nguyên lập quốc . Nếu cộng chung , cho đến nay là 4872 năm , vì vậy người Việt hằng tự hào rằng đã có 5000 năm văn hiến .

Xét về cương giới , cổ sử chép : Thái Tử Lộc Tục lên ngôi , lấy hiệu là Vua Kinh Đương ( 2 ) , tên nước là Xích Quỷ , đóng đô ở Phong Châu nay thuộc Sơn Tây . Vua Kinh Đương lấy con gái Vua Động Đình là Long-nữ đẻ ra Thái Tử Sùng Lãm . Thái Tử Sùng Lãm lại kết hôn với Công Chúa Âu Cơ con Vua Đế Lai ( 3 ) . Khi Vua Kinh Đương băng hà Thái Tử Sùng Lãm lên nối ngôi Vua tức Vua Lạc Long , đổi tên nước là Văn Lang . Nước Văn Lang Bắc tới hồ Động Đình , Nam giáp nước Hồ Tôn , Tây giáp Ba-thục , Đông giáp biển Đông Hải . Cổ sử đến đây , không có gì đáng nghi ngờ . Nhưng tiếp theo , lại chép : Vua Lạc Long lấy Công Chúa Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng , nở ra trăm con . Ngài truyền cho các Hoàng Tử đi bốn phương lập ấp , tổ chức cai trị , giáo hoá dân chúng . Mỗi vị lập một ấp , sau trở thành lạc-hầu , theo lối Cha truyền Con nối .

– Hoàng Tử thứ nhất tới thứ 10 lập ra vùng hồ Động Đình .
– Hoàng Tử thứ 11 tới thứ 20 lập ra vùng Tượng Quận .
– Hoàng Tử thứ 21 tới thứ 30 lập ra vùng Chân Lạp .
– Hoàng Tử thứ 31 tới thứ 40 lập ra vùng Chiêm Thành
– Hoàng Tử thứ 41 tới thứ 50 lập ra vùng Lão Qua .
– Hoàng Tử thứ 51 tới thứ 60 lập ra vùng Nam Hải .
– Hoàng Tử thứ 61 tới thứ 70 lập ra vùng Quế Lâm .
– Hoàng Tử thứ 71 tới thứ 80 lập ra vùng Nhật Nam .
– Hoàng Tử thứ 81 tới thứ 90 lập ra vùng Cửu Chân .
– Hoàng Tử thứ 91 tới thứ 100 lập ra vùng Giao Chỉ .

Ngài hẹn rằng : Mỗi năm các Hoàng Tử phải về Cánh Đồng Tương vào ngày Tết để chầu-hầu Phụ Mẫu .

Một truyền thuyết khác lại nói :

Vua Lạc Long nói với Âu Cơ rằng : Ta là loài Rồng , nàng là loài Tiên , ở với nhau lâu không được . Nay ta đem 50 con xuống nước , nàng đem 50 con lên rừng . Mỗi năm gặp nhau tại Cánh Đồng Tương một lần . Các sử gia Việt tuy lấy năm Vua Kinh Đương lên làm Vua là năm Nhâm-Tuất 2879 trước Tây Lịch , nhưng không tôn Vua Kinh Đương với Công Chúa con Vua Động Đình làm Quốc Tổ , Quốc Mẫu , mà lại tôn Vua Lạc Long làm Quốc Tổ , và Công Chúa Âu Cơ làm Quốc Mẫu . Cho đến nay , nếu các bạn hỏi trăm người Việt ở Hải Ngoại rằng Tổ là ai , họ đều tự hào : Chúng tôi là con Rồng cháu Tiên , Quốc Tổ tên Lạc Long , Quốc Mẫu tên Âu Cơ .

Không phải sử gia Hoa-Việt cho rằng các Vua Phục-Hy , Thần Nông thuộc huyền sử , hay không hẳn là tổ mình , mà cho rằng triều Phục Hy , Thần Nông là tổ về huyết tộc , mà không phải là tổ chính trị . Bởi tại phương Bắc từ khi Hoàng Đế lên ngôi Vua , tại phương Nam Lạc Long lên ngôi Vua , mới phân hẳn ra Việt , Hoa 2 nước rõ ràng .

B – Chủ Đạo Tộc Hoa / Tộc Việt 

Như các bạn đã thấy , mỗi dân tộc đều có một chủ đạo , cùng một biểu hiệu . Người Pháp các bạn cho rằng tổ tiên là người Gaulois , con vật tượng trưng là con gà trống . Người Anh lấy biểu hiệu là con sư tử . Người Hoa Kỳ lấy biểu hiệu là con chim ưng . Người Trung Hoa lấy biểu hiệu là con rồng . Người Việt lấy biểu hiệu là con rồng và chim âu , gốc tự huyền sử Vua Lạc Long là loài rồng , Công Chúa Âu Cơ là loài chim .

Người Do Thái tự tin rằng họ là giống dân linh , được Chúa chọn . Vì vậy , sau hai nghìn năm mất nước , họ vẫn không bị đồng hoá . Khi tái lập quốc , với dân số bằng một phần trăm khối Á Rập , nhưng họ vẫn đủ khả năng chống với bao cuộc tấn công để tồn tại . Đó là nhờ niềm tin họ thuộc sắc dân được Chúa chọn . Người Hoa thì tin rằng họ là con trời . Cho nên trong các sách cổ của họ Vua được gọi là Thiên Tử , còn các quan thì luôn là người nhà trời xuống thế phò tá cho Vua . Chính niềm tin đó cùng với văn-minh Hoa-hạ , văn minh Nho giáo đã kết thành chủ đạo của họ . Cho nên người Hoa dù ở đâu , họ cũng có một tổ chức xã hội riêng , sống với nhau trong niềm kiêu hãnh con trời . Cho dù họ lưu vong đến nghìn năm , họ cũng không bị đồng hoá , không quên nguồn gốc . Cũng chính vì vậy , mà từ một tộc Hoa nhỏ bé ở lưu vực sông Hoàng-hà , họ đánh chiếm , đồng hoá hàng nghìn nước xung quanh . Nhưng chủ đạo , và sức mạnh của họ phải ngừng lại ở biên giới Hoa-Việt ngày nay .

Từ nguồn gốc lập quốc , từ niềm tin mình là con của Rồng , cháu của tiên , cho nên người Việt có một sức bảo vệ quốc gia cực mạnh . Tộc Việt đã chiến đấu không ngừng để chống lại cuộc Nam tiến liên miên trong 2000 năm của tộc Hoa . Bất cứ thời nào , người Việt dù bị phân hoá đến đâu , nhưng khi bị Bắc xâm , lập tức họ ngồi lại với nhau để bảo vệ Quốc Gia . Trong những lớp phế hưng của lịch sử Việt , hễ ai dựa theo chủ đạo của Tộc Việt , đều thành công trong việc giữ được quyền cai trị dân .

C – Đi Tìm Lại Nguồn Gốc Tộc Việt 

Năm trước , đồng nghiệp của tôi đã giảng cho các bạn sinh viên hiện diện các giả thuyết về nguồn gốc dân tộc Việt Nam , bao gồm :

– Thuyết của GS Léonard Aurousseau , về cuộc di cư của người U-Việt hay Ngô-Việt sang Âu Lạc .
– Thuyết của Claude Madroll về cuộc di cư của người Mân-Việt sang Âu Lạc .
– Thuyết của học giả Đào Duy-Anh , Hồ-Hữu-Tường , về sự di cư do thời tiết của người Việt từ Bắc xuống Nam .
– Thuyết của Trần Đại-Sỹ theo khoa khảo cổ , bằng hệ thống Y Khoa ADN .
Cuối cùng các giáo sư đồng nghiệp đã nhận định rằng : Nhờ vào khoa khảo cổ , nhờ vào hệ thống khoa học , từ nay không còn những giả thuyết về nguồn gốc Tộc Việt nữa , mà chỉ còn lại công cuộc tìm kiếm của tôi , rồi kết luận : Tộc Việt bao gồm trăm giống Việt sống rải rác từ phía Nam sông Trường Giang : Đông tới biển , Tây tới Tứ-xuyên , Nam tới vịnh Thái Lan . Người Việt từ Ngô-Việt di cư xuống phương Nam . Người Mân-Việt di cư xuống Giao Chỉ . Người Việt di cư từ Nam sông Trường Giang tránh lạnh xuống Bắc Việt đều đúng . Đó là những cuộc di cư của Tộc Việt trong lĩnh thổ của họ , chứ không phải họ là tộc khác di cư tới đất Việt .

Chính vì lý do đó , tôi được mời đến đây đọc bài diễn văn khai mạc niên khoá 1992-1993 này . Sau đây , tôi trình bày sơ lược về công trình nghiên cứu đó . Tôi xin nhắc lại , tôi chỉ là một Bác Sĩ Y Khoa , cho nên những nghiên cứu của tôi đặt trên lý luận khoa học thực nghiệm , cùng lý luận Y Khoa , nó hơi khác với những gì mà các bạn đã học .

Phương Pháp Nghiên Cứu 

Trong việc đi tìm nguồn gốc Tộc Việt , tôi đã dùng phương pháp Y Khoa nhiều nhất , và phương pháp khoa học mới đây . Tôi đã được GS Tarentino về khoa Antomie của Ý và GS Vareilla Pascale của Pháp tích cực giúp đỡ .

1 – Dùng Biện Chứng Y Khoa vào Khoa Cổ 

Biện chứng căn bản của người nghiên cứu Y Khoa là : Khi có chứng trạng , ắt có nguyên do .
Biện chứng này đã giúp tôi rất nhiều trong khi nghiên cứu về nguồn gốc Tộc Việt . Khi nghiên cứu , những tài liệu cổ , dù là huyền thoại , dù là huyền sử , dù là triết học , tôi cũng coi là chất liệu quan trọng . Như tôi đã từng trình bày , nước tôi có một tôn giáo , mà toàn dân đều theo , đó là thờ các anh hùng dân tộc . Tại những đền thờ chư vị anh hùng , thường có một cuốn phổ kể sự tích các Ngài . Vì theo thời gian , tiểu sử các Ngài bị dân chúng huyền thoại hoá đi , riết rồi thành hoang đường . Cho nên những học giả đi tiên phong nghiên cứu về sử học Việt thường bỏ qua . Tôi lại suy nghĩ khác : Không có nguyên do , sao có chứng trạng .

Vì vậy tôi đã tìm ra rất nhiều điều lý thú .

Tỷ dụ : Bất cứ một nhà nghiên cứu nào , khi khảo về thời Vua An Đương cũng cho rằng truyện thần Kim-Quy cho Vua móng , làm nỏ bắn một lúc hàng nghìn mũi tên khiến Triệu Đà bị bại , là hoang đường , là ma trâu đầu rắn . Nhưng tôi lại tin , và cuối cùng tôi đã tìm ra sự thực : Hồi ấy Cao-cảnh hầu Cao-Nỗ đã chế ra nỏ liên châu , như súng liên thanh ngày nay . Tôi cũng tìm ra khích thước 3 loại mũi tên đồng của nỏ này . ( 4 )

Với lý luận Y Khoa , với anatomie , với lý thuyết y học mới về tế bào , với những khai quật của người Pháp ở Đông Dương , của Việt Nam , của Trung Hoa cùng hệ thống máy móc tối tân đã giúp tôi phân loại xương sọ , xương ống quyển , cùng biện biệt y phục của tộc Hoa , Tộc Việt , rồi đi đến kết luận về lãnh thổ nước Văn Lang tới hồ Động Đình .

Những Tài Liệu Cổ 

Ranh giới phía Nam của nước Văn Lang tới nước Hồ Tôn đã quá rõ ràng . Còn ranh giới phía Tây với Ba-thục , phía Đông với biển lại tuỳ thuộc vào ranh giới phía Bắc . Nếu như ranh giới phía Bắc quả tới hồ Động Đình , thì ranh giới phía Tây chắc phải giáp Ba thục và phía Đông phải giáp Đông hải . Vì vậy tôi đi tìm ranh giới phía Bắc .

Dưới đây là huyền thoại , huyền sử , mà tôi đã bấu víu vào để đi nghiên cứu .

– Cổ Sử Việt đều nói rằng ranh giới phía Bắc tới hồ Động Đình .
– Truyền thuyết nói : Đế Minh lập đàn tế cáo trời đất , rồi chia thiên hạ làm hai . Từ Ngũ Lĩnh về Bắc cho Đế Nghi , sau thành Trung Hoa . Từ Ngũ Lĩnh về Nam truyền cho Vua Kinh Đương sau thành nước Văn Lang .
– Truyền thuyết nói : Sau khi Vua Kinh Đương , Vua Lạc Long kết hôn , đều lên núi Tam Sơn trên hồ Động Ðình hưởng thanh phúc ba năm . Lúc Ngài lên núi , có chín vạn hoa tầm xuân nở .
– Truyền Sử nói : Sau khi Quốc Tổ Lạc Long , Quốc Mẫu Âu Cơ cho các Hoàng Tử đi bốn phương qui dân lập ấp , dặn rằng : Mỗi năm về Tương Đài trên Cánh Đồng Tương chầu Quốc Tổ , Quốc Mẫu một lần .
– Cổ Sử nói : Quốc Tổ dẫn năm mươi con xuống biển , Quốc Mẫu dẫn năm mươi con lên núi , hẹn mỗi năm gặp nhau một lần ở Cánh Đồng Tương .
– Sử nói : Vua nước Nam Việt là Triệu Đà thường đem quân quấy nhiễu biên giới Việt-Hán là Nam quận , Trường Sa ( Mậu-Ngọ , 183 trước Tây Lịch ) . Như vậy biên giới Nam Việt với Hán ở vùng này .
– Sử nói rằng : Khi Trưng Nhị , Trần Năng , Phật Nguyệt , Lại Thế Cường đem quân đánh Trường Sa ( năm 39 sau Tây Lịch ) thì nữ tướng Trần Thiếu Lan tử trận , mộ chôn ở ghềnh Thẩm Giang ( Sự thực đó là Tương Giang thông với hồ Động Đình ) . Sau đó ít năm có trận đánh giữa Lĩnh Nam với Hán . Tướng Lĩnh Nam Tổng Trấn hồ Động Đình là Phật Nguyệt . Tướng Hán là Mã Viện , Lưu Long ( năm 40 sau Tây Lịch ) . Nhưng các sử gia gần đây đều đặt nghi vấn rằng : Làm gì biên giới thời Văn Lang rộng như vậy , nếu có chỉ ở vào phía Bắc biên giới Hoa-Việt hiện nay trăm cây số là cùng . Tôi căn cứ vào những chứng trạng trên để tìm nguồn gốc .

D – Đi Tìm Biên Giới Nước Văn Lang 

Núi Ngũ Lĩnh 

Cuối năm Canh Thân ( 1980 ) tôi lấy máy bay đi Bắc Kinh , rồi đổi máy bay ở Bắc Kinh đi Trường Sa .

Trường Sa là thủ-phủ của tỉnh Hồ Nam . Tất cả di tích của Tộc Việt như hồ Động Đình , núi Tam Sơn , núi Ngũ Lĩnh , sông Tương , Thiên Đài , Tương Đài , Cánh Đồng Tương đều năm ở tỉnh này .

Tôi đi nghiên cứu với một thư giới thiệu của giới chức cao cấp y học . Không biết trong thư giới thiệu , các giới chức Y Khoa Trung Hoa ghi chú thế nào , mà khi tôi tiếp xúc với Sở Du Lịch , Ty Văn Hoá địa phương , họ đều tưởng tôi tới Trường Sa để nghiên cứu về sự cấu tạo hình thể cùng bệnh tật dân chúng tại đây . Thành ra tôi bị mất khá nhiều thời giờ nghe thuyết trình của các đồng nghiệp về vấn đề này . Tôi cư ngụ trong khách sạn Trường Sa Tân Điếm , năm trân đại lộ Nhân Dân . Tôi xin cuốn địa phương chí mới nhất của tỉnh , rồi mò vào thư viện Ty Văn Hoá , Sở Bảo Vệ Cổ Tích , Đại Học Văn Khoa , lục lọi những tài liệu cổ , mà ngay những sinh viên Văn Khoa cũng ít ai ghé mắt tới .

Đầu tiên tôi đi tìm núi Ngũ Lĩnh . Không khó nhọc , tôi thấy ngay . Đó là 5 dãy núi gần như ngăn đôi Nam , Bắc Trung Hoa .

– Một là Đại Đữu lĩnh ,
– Hai là Quế Đương , Kỳ Điền lĩnh .
– Ba là Cửu Chân , Đô Lung lĩnh .
– Bốn là Lâm Gia , Minh Chữ lĩnh .
– Năm là Thuỷ An , Việt Thành lĩnh .

Về vị trí :

– Ngọ Thuỷ An , Việt Thành chạy từ tỉnh Phúc Kiến , đến huyện Tuần Mai tỉnh Quảng Đông .
– Ngọn Đại Đữu chạy từ huyện Đại Đữu ( Nam An ) , tỉnh Giang Tây đến huyện Nam-hùng tỉnh Quảng Đông .
– Ngọn Lâm Gia , Minh Chữ chạy từ Lâm Huyện tỉnh Hồ Nam đến Liên Luyện tỉnh Quảng Đông .
– Ngọn Cửu Chân , Đô Lung chạy từ Đạo Huyện tỉnh Hồ Nam tới Gia Huyện tỉnh Quảng Tây .
– Ngọn Quế Đương từ Toàn Huyện tỉnh Hồ Nam tới huyện Quế Lâm tỉnh Quảng Tây .

Lập tức tôi thuê xe , đi một vòng thăm tất cả các núi này . Tôi đi mất mười ngày , gần 1500 cây số .Như vậy là Ngũ Lĩnh có thực , nay có núi đã đổi tên , có núi vẫn giữ tên cũ . Một câu hỏi đặt ra : Tại sao khi Vua Minh phân chia từ Ngũ Lĩnh về Nam thuộc Lộc Tục , mà lĩnh địa Việt tới hồ Động Đình , mà hồ ở phía Bắc núi đến mấy trăm cây số . Tôi giải đoán như thế này :

– Một là Vua Đế Minh tế trời trên núi Ngũ Lĩnh là nơi Ngài gặp tiên , rồi chia địa giới . Nhưng bấy giờ dân chưa đông , mà sông Trường Giang rộng mênh mông , sóng lớn quanh năm , nên Vua Nghi chỉ giữ tới Bắc Ngạn mà thôi . Còn Vua Kinh Đương thì sinh trưởng ở vùng này , lại nữa lấy con Vua Động Đình ( một tiểu quốc ) , nên thừa kế luôn vùng đất của Nhạc Gia .
– Hai là dân chúng Nam Ngạn Trường Giang với vùng Nam Ngũ Lĩnh vốn cùng một khí hậu , phong tục , nên họ theo về Nam , không theo về Bắc , thành thử hồ Động Đình mới thuộc lĩnh địa Việt .

Kết luận : Quả có núi Ngũ Lĩnh phân chia Nam , Bắc Trung Hoa hiện thời , vậy có thể núi này đúng là nơi phân chia lãnh thổ Văn Lang và Trung Hoa khi xưa . Ánh sáng đã soi vào nghi vấn huyền thoại .

2 – Thiên Đài : Nơi Tế Cáo Của Vua Đế Minh 

Tương truyền Vua Đế Minh lập đàn tế cáo trời đất trên núi Quế Đương , phân chia lãnh thổ Lĩnh-Bắc tức Trung Hoa , Lĩnh Nam tức Đại-Việt . Đàn tế đó gọi là Thiên Đài . Nhưng dãy núi Quế Đương có mấy chục ngọn núi nhỏ , không biết ngọn Thiên Đài là ngọn nào , trên bản đồ không ghi . Sau tôi hỏi thăm dân chúng thì họ chỉ cho tôi thấy núi Thiên Đài nằm gần bên bờ Tương giang .

Thiên Đài là ngọn đồi nhỏ , cao 179 mét , đỉnh tròn , có đường thoai thoải đi lên . Trên đỉnh có ngôi chùa nhỏ , nay để hoang . Tuy chùa được cấp huyện bảo tồn , nhưng không có tăng ni trụ trì . Chùa xây bằng gạch nung , mái lợp ngói . Lâu ngày chùa không được tu bổ , nên trên mái nhiều chỗ bị vỡ , bị khuyết . Tường mất hết vữa , gạch bị mòn , nhiều chỗ gần như lủng sâu . Duy nền với cổng bằng đá là còn nguyên , tuy nhiều chỗ đá bị bong ra . Bên trong , cột , kèo bằng gỗ đã nứt nẻ khá nhiều .

Tại thư viện Hồ Nam , tôi đã tìm được một tài liệu rất cũ , giấy hoen ố , nhưng chữ viết tay như phượng múa rồng bay , gồm 60 trang . Đầu đề ghi :

Thiên Đài Di Sự Lục
Trinh Quán Tiến Sĩ Chu Minh Văn soạn .

Trinh Quán là niên hiệu của Vua Đường Thái-tông từ năm Đinh-Hợi ( 627 ) đến Đinh-Mùi ( 647 ) , nhưng không biết Chu đỗ tiến sĩ năm nào ?

Tuy sách do Chu Minh Văn soạn , nhưng dường như bản nguyên thuỷ không còn . Bản này là do người sau sao chép lại vào đời Thanh Khang-Hy . Nội dung sách có ba phần : Phần của Chu Minh Văn soạn , phần chép tiếp theo Chu Minh Văn của một sư ni pháp danh Đàm-Chi , không rõ chép vào bao giờ . Phần thứ ba chép pháp danh các vị trụ trì từ khi lập chùa tới thời Khang-Hy ( 1662-1722 ) . Chu Minh Văn là tiến sĩ đời Đường , nên văn của ông thuộc loại văn cổ rất súc tích , đầy những điển cố , cùng thành ngữ lấy trong Tứ Thư , Ngũ Kinh cùng kinh Phật ( Nhân viên quản thủ thư viện thấy tôi đọc dễ dàng , chỉ lướt qua là hiểu ngay , ông ta ngạc nhiên khâm phục vô cùng . Nhưng nếu ông biết rằng tôi chỉ được học những loại văn đó từ hồi sáu bẩy tuổi , thì ông sẽ hết phục ! ) . Tài liệu Chu Minh Văn cũng nhắc lại việc Vua Đế Minh đi tuần thú phương Nam , kết hôn với nàng tiên , sinh ra Lộc Tục . Vua lập đàn tại núi này tế cáo trời đất , vì vậy đài mang tên Thiên Đài , núi cũng mang tên Thiên Đài-sơn . Mình Văn còn kể thêm : Cổ thời , trên đỉnh núi chỉ có Thiên Đài thờ Vua Đế-Minh , Vua Kinh Đương . Đến thời Đông Hán . một tướng của Vua Bà tên Đào Hiển Hiệu được lệnh rút khỏi Trường Sa . Khi rút tới Quế Đương , ông cùng nghìn quân lên Thiên Đài lễ , nghe người giữ đền kể sự tích xưa . Ông cùng quân sĩ nhất quyết tử chiến , khiến Lưu Long thiệt mấy vạn người mới chiếm được núi . Về đời Đường , để xoá vết tích Việt , Hoa cùng Nam , Bắc , các quan lại được sai sang đô hộ Lĩnh Nam mới cho xây ngôi chùa tại đây .

Tôi biết Vua Bà là Vua Trưng . Còn tướng Đào Hiển Hiệu là em con chú của Bắc Bình Vương Đào-Kỳ , tước phong quốc công , giữ chức Hổ Nha Đại Tướng Quân . Bà Hoàng Thiều Hoa chỉ huy trận rút lui khỏi khu Trường Sa , hồ Động Đình , đã sai Hiển-Hiệu đi cản hậu , đóng nút chận ở Thiên Đài , đợi khi quân Lĩnh Nam rút hết , sẽ rút sau . Nhưng Hiển-Hiệu cùng chư quân lên núi thấy di tích thơ thời Quốc Tổ , Quốc Mẫu , đã không chịu lui quân , tử chiến , khiến quân Hán chết không biết bao nhiêu mà kể tại đây .

Ngoài cổng chùa có 2 đôi câu đối :

Thoát thân Nam thành xưng Sư Tổ ,
Thọ pháp Tây Thiên diễn Phật Kinh .

( Hai câu này ngụ ý ca tụng Thái Tử Tất Đạt Đa đang đêm ra khỏi thành đi tìm lẽ giải thoát , sau đó đắc pháp ở Tây Thiên , đi giảng kinh . )

Tam bảo linh ứng phong điều vũ thuận , Phật công hiển hách quốc thái dân an ( Hai câu này ngụ ý nói : Tam bảo linh thiêng , khiến cho gió hoà mưa thuận , đó là công lao của nhà Phật khiến quốc thái dân an ) .

Nơi có dấu vết Thiên Đài , còn đôi câu đối khắc vào đá :

Thiên Đài đại đại phân Nam , Bắc ,
Lĩnh Địa niên niên dữ Việt Thường .

( Nghĩa là : Từ sau vụ tế cáo ở đây , đài thành Thiên Đài , biết bao thời , phân ra Nam , Bắc . Núi Ngũ Lĩnh năm này qua năm khác với dòng giống Việt Thường ) .

Chỗ miếu thờ Đào Hiển Hiệu có đôi câu đối :

Nhất kiếm Nam hồ , kinh Vũ Đế ,
Thiên đao Bắc lĩnh , trấn Lưu Long .

Nghĩa là : Một kiếm đánh trận ở phía Nam hồ Động Đình làm kinh tâm Vua Quang Vũ nhà Hán , một nghìn đao thủ ở Bắc núi Ngũ Lĩnh trấn Lưu Long )

Kết luận : Như vậy việc Vua Đế-Minh tế cáo trời đất là có thực . Vì có Thiên Đài , nên thời Lĩnh Nam mới có trận đánh hồ Động Đình . Hai sự kiện đó chứng tỏ lĩnh địa Văn Lang xưa quả tới núi Ngũ Lĩnh , hồ Động Đình .

Cánh Đồng Tương 

Có 2 huyền sử nói về Cánh Đồng Tương :

– Một là Quốc Tổ dẫn năm mươi con xuống biển . Quốc Mẫu dẫn năm mươi con lên núi , mỗi năm tái hội nhau trên Cánh Đồng Tương một lần .
– Hai là Quốc Tổ , Quốc Mẫu truyền các Hoàng Tử đi bốn phương qui dân lập ấp , mỗi năm hội tại Cánh Đồng Tương một lần .

Tôi đoán : Cả 2 vị Quốc Tổ Kinh Đương , Lạc Long sau khi kết hôn , đều đem Quốc Mẫu lên núi Tam Sơn trên hồ Động Đình hưởng thanh phúc ba năm . Vậy thì Cánh Đồng Tương sẽ gần đâu đó quanh hồ Động Đình . Phía Nam hồ Động Đình là sông Tương Giang , chảy theo hướng Nam-Bắc dài 811 cây số , lưu vực tới 92 ,500 cây số vuông , chẻ đôi tỉnh Hồ Nam với Quảng Tây . Vậy Cánh Đồng Tương sẽ năm trong lưu vực Tương Giang . Tôi thuê thuyền đi từ cảng Dương-lâm nơi phát xuất ra Tương Giang là hồ Động Đình , xuống Nam , qua Tương-âm tôi dừng lại , nghiên cứu địa thế cùng thăm chùa Bạch-mã . Đây là địa phận quận Ích Đương . Vô tình tôi tìm ra một nhánh sông Âu Giang và một cái hồ rất lớn , vào mùa nước lớn rộng tới 4-5 mẫu , vào mùa nước cạn chỉ còn 2-3 mẫu mà thôi . Suốt lộ trình từ hồ Động Đình trở xuống , trên sông Tương cũng như hai bên bờ chim âu bay lượn khắp nơi . Đặc biệt trên Âu Giang , giống chim này càng nhiều vô kể . Từ Âu Giang , tôi trở lại sông Tương , xuôi tới Trường Sa , thủ phủ của Hồ Nam , rồi tới các quận lî Tương Đàm , Chu Châu , Hành Đương , Quế Đương . Không khó nhọc tôi tìm ra Cánh Đồng Tương , tức là vùng trũng phía Tây Ngạn , giới hạn phía Bắc là hồ Động Đình , Nguyên Giang . Phía Nam là Linh Lăng , Hành Nam . Phía Tây là vùng Triêu Dương , Lãnh Thuỷ . Nhưng nay Cánh Đồng Tương chỉ còn khu vực tứ giác : Tương Giang , Nguyên Giang , Liên Thuỷ và Thạch Khê Thuỷ . Sau khi tìm ra Cánh Đồng Tương , Thiên Đài , cùng những đàn chim âu , tôi giải đoán như thế này :
Quốc Tổ Lạc Long kết hôn với Công Chúa con Đế-Lai , hẳn Công Chúa cũng có tên . Nhưng vì lâu ngày , người ta không nhớ được tên Ngài , nên đã lấy con chim Âu , rất hiền hoà , xinh đẹp ở vùng hồ Động Đình , Tương Giang ,mà gọi tên là Âu Cơ ( Cơ là bà vợ Vua ) . Vì người ta gọi Quốc Mẫu là Âu Cơ thì họ nghĩ ngay đến Quốc Mẫu sinh con . Quốc Mẫu là chim Âu , thì phải đẻ ra trứng . Còn con số một trăm , là con số triết học Việt Hoa dùng để chỉ tất cả . Như trăm bệnh là tất cả các bệnh , trăm họ là toàn dân . Trăm con , có nghĩa là tất cả dân trong nước đều là con của Quốc Mẫu .

Kết luận : Đã có Cánh Đồng Tương , thì truyện Quốc Tổ , Quốc Mẫu hẹn mỗi năm hội tại đây một lần là có . Khi sự kiện có núi Ngũ Lĩnh , có Thiên Đài , nay chứng cớ Cánh Đồng Tương được kiểm điểm , thì lĩnh địa của Tộc Việt xưa quả tới hồ Động Đình .

4 – Hồ Động Đình & Núi Tam Sơn

Hồ Động Đình nằm ở phía Nam sông Trường Giang . Hồ được coi như nới phát tích ra Tộc Việt . Địa khu Bắc sông Trường Giang được gọi là tỉnh Hồ Bắc , tức đất Kinh Châu thuở xưa . Địa khu phía Nam sông Trường Giang được gọi là tỉnh Hồ Nam . Hồ Động Đình nằm trong tỉnh Hồ Nam . Hồ thông với sông Trường Giang bằng hai con sông . Cho nên người ta coi hồ như nơi chứa nước sông Trường Giang , rồi đổ vào cho Tương Giang . Trên Bắc Ngạn hồ có núi Tam Sơn . Tôi đã lên đây 3 lần . Tương truyền các bà Trưng Nhị , Trần Năng , Hồ Đề , Phật Nguyệt đánh chiếm Trường Sa vào ngày đầu năm , vì vậy tôi cũng tới đây vào dịp này để thấy rõ phong cảnh để còn tả trận đánh trong bộ Cẩm Khê Di Hận ( 6 ) . Hồ rộng 3915 cây số vuông , độ sâu về mùa cạn là 38,5 mét , về mùa nước lớn là 39,20 mét .Tra trong chính sử , thì quả hồ Động Đình thuộc lĩnh địa Văn Lang . Như trên đã nói , triều đại Thần Nông Bắc đến đời Vua Du Võng thì mất vào năm 2696 trước Tây Lịch , chuyển sang thời đại Hoàng Đế . Sử gia Trung Hoa cho rằng Hoàng Đế là tổ lập quốc . Nói theo triết học Tây Phương , thì Vua Du Võng từ gốc Thần Nông thuộc nông nghiệp cư trú trong vùng đồng bằng , ở phương Nam , lấy hoả làm biểu hiệu nên còn gọi là Viêm-Đế . Còn Vua Hoàng Đế gốc ở dân du mục , săn bắn , từ phương Bắc xuống . Dân du mục nghèo , nhưng giỏi chinh chiến . Dân nông nghiệp giầu nhưng không giỏi võ bị nên bị thua .

Bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên , Quyển 1 , Ngũ Đế bản kỷ chép rằng :
… Thời Vua Hoàng Đế , họ Thần Nông ( Bắc ) đã suy , chư hầu chém giết lẫn nhau , khiến trăm họ khốn khổ vô cùng . Vua Du Võng không đủ khả năng chinh phục . Vua Hiên-Viên Hoàng Đế thao luyện can qua , chinh phục những chư hầu hung ác . Vì vậy các nơi theo về rất đông . Trong các chư hầu , thì Suy-Vưu mạnh nhất .

Vua Du Võng triều Thần Nông định đem quân xâm lăng chư hầu , nhưng chư hầu chỉ tuân lệnh Hoàng Đế . Vua Hoàng Đế tu sửa đức độ , luyện tập binh mã , vỗ về trăm họ , giúp đỡ bốn phương , luyện tập thú dữ rồi đại chiến với Vua Du Võng ở Bản-tuyền , thành công .
Suy-Vưu làm loạn , không tuân đế hiệu . Hoàng Đế triệu tập chư hầu , cùng Suy-Vưu đại chiến ở Trác Lộc , bắt sống Suy-Vưu . Chư Hầu tôn Ngài làm Thiên Tử thay họ Thần Nông . Trong thiên hạ nơi nào không thuận , Vua Hoàng Đế đem quân chinh phạt .

Lãnh thổ của Hoàng Đế : Đông tới biển , vùng núi Hoàn Sơn , Đại Tông ; phía Tây tới núi Không-động , Kê-đầu ; Nam tới Giang , Hùng , Tương … ( 7 )

Sông Giang đây tức là sông Trường Giang . Hùng đây là Hùng Nhĩ Sơn , Tương là Tương Sơn . Bùi-Nhân đời Tống tập giải Sử-ký nói rằng Tương Sơn thuộc Trường Sa .

Kết luận : Từ chính sử , huyền sử đều cho biết lĩnh địa Văn Lang tới hồ Động Đình . Khi Vua Hoàng Đế dứt triều Thần Nông Bắc , thì triều Thần Nông Nam tức họ Hồng Bàng còn kéo dài tới 2439 năm nữa . Lĩnh thổ Trung Hoa thời Hoàng Đế cũng chỉ tới sông Trường Giang . Từ Nam bao gồm khu Trường Sa hồ Động Đình vẫn thuộc Văn Lang . Khi chính sử ghi chép như vậy , thì việc Quốc Tổ , Quốc Mẫu với hồ Động Đình , núi Tam Sơn , không còn là huyền thoại nữa , mà thành sự thực lịch sử . Vậy truyện các Ngài lên núi hưởng thanh phúc nên ghi vào chính sử .

5 – Biên Giới Lĩnh Địa Tộc Việt Thế Kỷ Thứ 2 Trước Tây Lịch

Sử Hán Việt đề đều ghi rằng vào Thế Kỷ Thứ Nhì trước Tây Lịch , thời Triệu Đà cai trị lĩnh địa Tộc Việt , biên giới vẫn còn ở vùng Trường Sa , hồ Động Đình . Sử Hán , sử Việt đều chép chi tiết giống nhau về vụ Triệu Đà lập quốc ở lãnh thổ Lĩnh Nam . Tần Thuỷ Hoàng sai Đồ Thư mang quân sang đánh Âu Lạc , chiếm được vùng đất phía Bắc , lập làm 3 quận : Nam Hải ( Quảng Đông và một phần Phước Kiến ) , Quế Lâm ( Quảng Tây , Hồ Nam và một phần Quý Châu ) , Tượng Quận ( Vân Nam và một phần Quý Châu ) . Vua An Dương Vương sai Trung Tín Hầu Vũ Bão Trung và Cao Cảnh Hầu Cao Nỗ đem quân chống , giết được Đồ Thư , tiêu diệt nửa triệu quân Tần . Tuy vậy Vua An Dương Vương cũng không chiếm lại vùng đất đã mất .

Sau nhân thời thế loạn lạc , một viên quan Tần là Triệu Đà trấn vùng Nam Hải , đem quân chiếm vùng Tượng Quận , Quế Lâm , rồi dùng gián điệp trong vụ án Mỹ Châu , Trọng-Thuỷ mà chiếm được Âu Lạc , lập ra nước Nam Việt . Lĩnh thổ nước Nam Việt gồm những vùng nào ? Không một sử gia chép rõ ràng . Nhưng cứ những sự kiện lẻ tẻ , ta cũng có thể biết rằng lĩnh địa Nam Việt là lĩnh địa thời Văn Lang .

Trong khi Triệu Đà lập nghiệp ở phương Nam , thì cuộc nội chiến ở phương Bắc chấm dứt : Hạng Vũ , Lưu Bang diệt Tần , rồi Lưu Bang thắng Hạng Vũ lập ra nhà Hán . Lưu Bang lên ngôi Vua , sai Lục Giả sang phong chức tước cho Triệu Đà . Đúng ra Triệu Đà cũng không chịu thần phục nhà Hán , nhưng họ hàng , thân thuộc , mồ mả của Đà đều ở vùng Chân Định . Đà sợ nhà Hán tru diệt họ hàng , cùng đào mồ cuốc mả Tổ Tiên mà phải lùi bước .

Năm 183 trước Tây Lịch , Cao Tổ nhà Hán là Lưu Bang chết , Lã-hậu chuyên quyền , cấm bán hạt giống , thú vật cái , kim khí sang Nam Việt . Triệu Đà không thần phục nhà Hán , xưng đế hiệu , rồi đem quân đánh Trường Sa , Nam Quận .

Trường Sa là quận biên cương của Hán , vậy ít nhất lãnh thổ Nam Việt , Bắc tới Trường Sa . Nam Quận là quận ở phía Bắc sông Trường Giang . Mà Nam Quận là quận biên cương Hán , thì biên giới Nam Việt ít nhất tới Nam ngạn sông Trường Giang .

6 – Lĩnh Địa Về Thời Vua Trưng

Trong những năm 1978-1979 khi dẫn phái đoàn Y Khoa nghiên cứu tại các tỉnh cực nam Trung Hoa như Quảng Đông , Quảng Tây , Vân Nam , Quý Châu , tôi tìm ra khắp các tỉnh này , không ít thì nhiều đều có đạo thờ Vua Bà . Nhưng tôi không tìm được tiểu sử Vua Bà ra sao . Ngay những cán bộ Trung Hoa ở địa phương , họ luôn đề cao Vua Bà , mà họ cũng chỉ biết lờ mờ rằng Vua Bà là người nổi lên chống tham quan . Khắp 4 tỉnh , tôi ghi chú được hơn trăm đền , miếu thờ những Tướng Lĩnh thời Vua Bà .

Bây giờ tôi lại tìm thấy ở Hồ Nam nhiều di tích về đạo thờ Vua Bà hơn . Tại thư viện bảo tồn di tích cổ , tôi tìm thấy một cuốn phổ rất cổ , soạn vào thế kỷ Thứ Tám chép sự tích Nữ Vương Phật Nguyệt như sau :

Ngày xưa , Ngọc Hoàng Thượng Đế ngự trên điện Linh Tiêu , có 2 Công Chúa đứng hầu . Vì sơ ý , 2 Công Chúa đánh vỡ chén ngọc . Ngọc Hoàng Thượng Đế nổi giận lôi đình , truyền đầy 2 Công Chúa xuống Hạ Giới . Hai Công Chúa đi đầu thai được mấy ngày , thì Tiên Lại giữ sổ tiên giới tâu rằng có 162 Tiên đầu thai xuống theo 2 Công Chúa . Ngọc Hoàng Thượng Đế sợ Công Chúa làm loạn ở Hạ Giới , Ngài mới truyền Thanh-Y Đồng Tử đầu thai theo để dẹp loạn . Thanh-Y Đồng Tử sợ địch không lại 2 Công Chúa , có ý ngần ngừ không dám đi . Ngọc Hoàng Thượng Đế truyền Nhị Thập Bát Tú đầu thai theo .

Thanh Y Đồng Tử đầu thai , sau là Vua Quang Vũ nhà Hán , Nhị-thập bát tú đầu thai thành 28 vị văn thần võ tướng thời Đông Hán . Còn hai Công Chúa đầu thai xuống quận Giao Chỉ , vào nhà họ Trưng . Chị là Trưng Trắc , em là Trưng Nhị . Lúc Trưng Trắc sinh ra có hương thơm đầy nhà , lớn lên thông minh quán chúng , có sức khoẻ bạt sơn cử đỉnh ; được gả cho Đặng Thi Sách . Thi Sách làm phản , bị Thái Thú Tô Định giết chết . Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa , được 162 anh hùng các nơi nổi lên giúp sức , nên chỉ trong 1 tháng chiếm hết 6 quận Trung Hoa ở phía Nam sông Trường Giang : Cửu Chân , Nhật Nam , Giao Chỉ , Quế Lâm , Tượng Quận , Nam Hải . Chư tướng tôn Trưng Trắc lên làm Vua , thường gọi là Vua Bà .

Vua Quang Vũ nhà Đông Hán sai Phục Ba Tướng Quân Tân Tức Hầu , Long Nhương Tướng Quân Thận Hầu Lưu Long đem quân dẹp giặc . Vua Bà sai Nữ Vương Phật Nguyệt Tổng Trấn hồ Động Đình . Mã Viện , Lưu Long bị bại . Vua Quang Vũ truyền Nhị Thập Bát Tú nghênh chiến , cũng bị bại . Nữ Vương Phật Nguyệt phép tắc vô cùng , một tay nhổ núi Nga Mi , một tay nhổ núi Thái Sơn , đánh quân Hán chết xác lấp sông Trường Giang , hồ Động Đình , oán khí bốc lên đến trời . Ngọc Hoàng Thượng Đế sai Thiên Binh , Thiên Tướng trợ chiến , cũng bị bại . Ngài phải sai thần Du Liệt sang Tây Phương cầu cứu Phật Như-Lai . Đức Phật sai 18 vị Kim-Cương , 3000 La Hán trợ chiến cũng bị bại . Cuối cùng Ngài truyền Quan Thế Âm Bồ Tát tham chiến . Nữ Vương Phật Nguyệt với Quan Thế Âm đấu phép 3 ngày 3 đêm , bất phân thắng bại . Sau Quan Thế Âm thuyết pháp , Nữ Vương Phật Nguyệt giác ngộ , bỏ đi tu .

Ta nhân ngày lành , viết lại chuyện xưa , xin dâng đôi câu đối :

Tích trù Động Đình uy trấn Hán ,
Danh lưu thanh sử lực phù Trưng .

( Nghĩa là : Một trận Động Đình uy rung Hán tên còn trong sử sức phò Trưng )

Như thế , tôi đã tìm ra được : Đạo thờ Vua Bà tại 5 tỉnh Nam Trung Hoa là di tích của lòng tôn kính thờ anh hùng dân tộc của Tộc Việt trên lãnh thổ cũ của người Việt còn sót lại . Vua Bà , mà người Trung Hoa thờ như một thứ tôn giáo , chính là Vua Trưng .

Kết luận : Quả có Nữ Vương Phật Nguyệt đánh trận Trường Sa hồ Động Đình . Mà có trận hồ Động Đình thì lãnh thổ thời Lĩnh Nam quả tới phía Nam sông Trường Giang .

Huyền sử nói rằng : Khi bà Trưng Nhị cùng các tướng Trần Năng , Hồ Đề , Phật Nguyệt , Lại Thế Cường đánh Trường Sa vào đầu năm Kỷ-Hợi ( 39 sau Tây Lịch ) , thì Nữ Tướng Trần Thiếu Lan tử trận , được mai táng ở ghềnh sông Thẩm Giang ( 8 ) . Thẩm Giang chính là đoạn sông ngắn ở Bắc tiếp nối với hồ Động Đình . Một cuốn phổ khác , chép vào thời Nguyễn nói rằng : Các sứ thần Lý , Trần , Lê khi qua đây đều có sắm lễ đến cúng miếu thờ bà Trần Thiếu Lan . Cho nên năm 1980 , tôi đã đến đây tìm hiểu . Không khó nhọc , tôi tìm ra trong cuốn địa phương chí , do sở du lịch Trường Sa cung cấp , một đoạn chép Miếu thờ liệt nữ Trần Tiểu Lan ở đầu sông Tương . Hồi cách mạng văn hoá bị phá huỷ . Tượng đồng bị nấu ra . Vệ Binh Đỏ phá luôn cả bia đá . Tôi tìm tới nơi thì miếu chỉ còn lại cái nền bằng đá ông , mộ vẫn còn ( 9 ) .

7 – Nghiên Cứu Những Khai Vật 

Vào những năm 1964-1965 , GS Thạc Sĩ Luật Khoa Vũ Văn Mẫu đang soạn thảo tài liệu về Cổ Luật Việt Nam . Người giúp GS Mẫu đọc sách cổ là Hoàng Triều Tiến Sĩ Nguyễn Sỹ Giác . Cụ Giác tuy thông kinh điển , Thư Tịch Cổ nhưng lại không biết ngoại ngữ , cùng với phương pháp phân tích , tổng hợp Tây Phương . Cụ giới thiệu tôi với GS Mẫu . Tôi với Cụ đã giúp GS Mẫu đọc , soán các thư tịch liên quan đến cổ luật . Chính vì vậy tập tài liệu Cổ Luật Việt Nam & Tư Pháp Sử có chương mở đầu Liên Hệ Giữa Nguồn Gốc Dân Tộc & Cổ Luật Việt Nam ( 10 ) . Bấy giờ tôi còn trẻ , lại không có đủ tài liệu khai quật của Trung Hoa , của Bắc Việt Nam , nên có nhiều chi tiết sai lầm nhỏ . Hôm nay đây , tôi xin lỗi anh linh Hoàng Triều Tiến Sĩ Nguyễn Sỹ Giác , anh linh GS Vũ Văn Mẫu , xin lỗi các vị đồng nghiệp hiện diện , xin lỗi các vị sinh viên về những sai lầm đó .

Triều đại Hồng Bàng của Tộc Việt xuất phát từ năm 2879 trước Tây Lịch , tương đương với thời đại đồ đá mài ( le néolithique ) , tức cuối thời đại văn hoá Bắc Sơn ( 11 ) . Trong những khai quật về thời đại này tại Bắc Việt , Đông Vân Nam , Quảng Đông , Hồ Nam , người ta đều tìm được những chiếc rìu thiết diện hình trái xoan , trong khi tại Nhật , Bắc Trường Giang lại chỉ tìm được loại rìu thiết diện hình chữ nhật , chứng tỏ vào thời đó , có một thứ văn hoá Tộc Việt giống nhau .

Sang thời đại văn hoá Đông Sơn ( 12 ) hay đồ đồng ( age du bronze ) : Trong thời gian này đã tìm được trống đồng Đông Sơn bên bờ sông Mã ( Thanh-Hoá ) Sự thực trống đồng đã tìm thấy ở toàn bộ các tỉnh Nam Trường Giang như Hồ Nam , Quý Châu , Vân Nam , Quảng Đông , Quảng Tây ; Nam Đương , Lào ( 13 ) , Bắc và Trung Việt . Nhưng ở Nam Đương , Lào rất ít . Nhiều nhất ở Bắc Việt rồi tới Vân Nam , Lưỡng Quảng . Phân tích thành phần , gần như giống nhau : Đồng 55 % , thiếc 15-16 % , chì 17-19 % , sắt 4 % . Một ít vàng , bạc .

Khảo về y phục , mồ mả , cùng xương trong các ngôi mộ , qua các thời đại , cho đến hết thế kỷ thứ 1 sau Tây Lịch , tôi thấy trong các vùng Nam Trường Giang cho đến Trung , Bắc Việt , cùng Lào , Thái đều giống nhau . Tôi đi đến kết luận : Tộc Việt quả có lĩnh địa Bắc tới hồ Động Đình , Tây tới Tứ Xuyên như Cổ Sử nói .

E – Tổng Kết

Các bạn đã cùng tôi đi vào những chi tiết từ huyền thoại , huyền sử , cổ sử , cùng triết học , suy luận để tìm về nguồn gốc dân tộc Việt Nam . Trong chính sử Việt đều ghi rõ ràng về nguồn gốc Tộc Việt . Hồi thơ ấu , tôi sống bên cạnh những nhà nho , chỉ đọc sách chữ Hán của người Hoa , người Việt viết . Mà những sách này đều chép rằng Tộc Việt gồm có trăm họ khác nhau , mang tên Bách-Việt . Những tên như Âu Việt , Lạc Việt , Đông Việt , Nam Việt , Việt Thường đều thuộc Bách Việt cả . Cái tên trăm họ , hay trăm Việt ( Bách Việt ) phát xuất từ huyền thoại nói Vua Lạc Long sinh ra trăm con . Trăm có nghĩa là toàn thể , tất cả , chứ không hoàn toàn là con số như ta tưởng ngày nay ( 14 ) .Các vị cổ học học sổ sử , rồi coi lĩnh địa Tộc Việt bao gồm phía Nam sông Trường Giang , lấy mốc là hồ Động Đình , với sông Tương , núi Ngũ Lĩnh là đương nhiên . Chính hồi nhỏ , khi học tại trường Pháp , vào thời kỳ 10-14 tuổi , tôi chỉ được học những bài ngắn ngủi và trang về nguồn gốc Tộc Việt ; trong khi đó gia đình cho tôi đọc những bộ sử dài hàng mấy chục nghìn trang của Hoa , của Việt ( Nếu dịch sang chữ Việt số trang gấp bốn , sang Pháp , Anh văn , số trang gấp 5-6 ) . Chính tôi cũng nhìn nguồn gốc Tộc Việt , lĩnh thổ Tộc Việt tương tự như các nhà Cổ Học . Phải chờ đến khi tôi ra trường ( 1964 ) . Bấy giờ GS Vũ Văn Mẫu Thạc Sĩ Luật Khoa nhờ Hoàng Triều Tiến Sĩ Nguyễn Sĩ Giác sưu tầm tài liệu Cổ Luật . Cụ Giác học lối Cổ , không biết những phương pháp qui nạp , tổng hợp , nên giới thiệu GS Mẫu với tôi . Ngay lần đầu gặp nhau , một già , một trẻ mà có 2 cái nhìn khác biệt . GS Mẫu trên 50 tuổi lại có cái nhìn rất trẻ . Tôi mới 25 tuổi lại có cái nhìn rất già về nguồn gốc Tộc Việt . Qua cuộc trao đổi sơ khởi , bấy giờ tôi mới biết có rất nhiều thuyết nói về nguồn gốc dân tộc Việt , mà các tác giả thiếu cái học sâu xa về Cổ Học Hoa Việt đưa ra . Vì vậy tôi đã sưu tầm tất cả những gì trong Thư Tịch Cổ , giúp GS Vũ Văn Mẫu đem viết thành tài liệu giảng dạy . Nhưng sự sưu tầm đó không đầy đủ , vì chỉ căn cứ trên Thư Tịch Cổ . Nay tôi mới biết là có một vài sai lầm , tôi xin lỗi các đồng nghiệp hiện diện .

– Từ cổ : Tộc Việt sống rải rác từ phía Nam sông Trường Giang , xuống mãi vịnh Thái Lan .
– Sau này Tộc Việt , tộc Mã đã giao tiếp với nhau ở vùng Kampuchea , Nam Việt Nam Tộc Việt hỗn hợp với Tộc Ấn ở phía tây Thái Lan . Giống Thái , một trong Bách-Việt chính là Tộc Thái từ Tượng Quận , Bắc Việt di chuyển xuống lập ra nước Lào , nước Thái .

Người Việt từ sông Trường Giang , từ Phúc Kiến di cư xuống Bắc Việt , không có nghĩa ở Bắc Việt không có giống Việt , phải đợi họ di cư xuống mới có . Mà có nghĩa là người Việt di chuyển trong đất Việt .

BS Trần Đại Sỹ Paris – C/N 2015/10/31
http://urlz.fr/2Ad9

* * *

Bốn hình dưới đây được thấy nằm dưới cùng
bài Biên Cương Nước Việt của BS Trần Đại Sỹ trên 1 trang FB

BienCuongNuocVietTDS1

BienCuongNuocVietTDS2

BienCuongNuocVietTDS3

BienCuongNuocVietTDS4

About Vinh2SG

Born 1938/11/05 in SaiGon Capital of South VietNam - Lycee Yersin DaLat then ENAC France - Captain on DC3/4-B727 with Air VietNam - Pilot on SE210 B7(3-4)7 with Corse Air Int'l - Living near Paris12 at Charenton Le Pont
This entry was posted in TàiLiệuLT and tagged , . Bookmark the permalink.

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.